Giải mã tác dụng bồi bổ của đinh lăng cho người sau tuổi 40
Khi bước vào tuổi 40, cơ thể con người bắt đầu lão hóa nhanh, hệ miễn dịch không còn khỏe mạnh, đặc biệt có nhiều nguyên nhân dần phá hủy sức khỏe của chúng ta, khiến một số căn bệnh nguy hiểm vốn thường gặp ở người lớn tuổi như tim mạch, tiểu đường, mỡ máu, xương khớp, ung bướu… lại đang ngày càng trẻ hóa và gia tăng mạnh mẽ.Trước thực trạng trên, vấn đề giữ gìn, rèn luyện thể lực và các biện pháp phòng ngừa bệnh luôn được đặt lên hàng đầu. Mỗi người đều tự tìm cho mình một phương pháp bảo vệ sức khỏe riêng. Đặc biệt với xu hướng chăm sóc sức khỏe bằng các thảo dược thiên nhiên đang ngày càng được quan tâm, trong đó công dụng bảo vệ sức khỏe của đinh lăng lá xẻ - một loại thảo dược được ví như Sâm của người Việt đang được nhiều người quan tâm. Vậy đinh lăng lá xẻ có thực sự hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng?
Công dụng của đinh lăng
Đinh lăng là một thảo dược quý gần gũi với người dân đất Việt. Y học cổ truyền sử dụng đinh lăng như một vị thuốc nam, hỗ trợ bồi bổ sức khỏe, giúp ăn ngon, ngủ tốt, tinh thần sảng khoái, khỏe mạnh, dùng làm thuốc chữa ho,....
Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông đã dành gần 1 thập kỉ nghiên cứu, tìm tòi và nhận thấy ít có loại dược liệu nào mà toàn bộ thân, lá, đặc biệt là rễ của cây đều có tác dụng hỗ trợ bồi bổ sinh lực, trí lực, chống mệt mỏi và làm tăng sức dẻo dai của cơ thể như vậy. Ông cũng nhận thấy, rễ đinh lăng lá xẻ trồng sau 5 năm có tính mát, vị ngọt, hơi đắng bổ 5 tạng, có công dụng hỗ trợ bổ khí huyết, đả thông kinh mạch, tăng sức chịu đựng, dẻo dai của cơ thể, ổn định nhịp tim và gia tăng sức chịu nóng với vận động viên. Đinh lăng giúp ổn định tim mạch và huyết áp.
Trong cuốn sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của Giáo Sư, Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi có viết: “Đinh lăng cùng họ với nhân sâm, có các thành phần giống sâm. Ngoài ra, đinh lăng có những tác dụng dược lý tương tự như sâm.”
Các nhà dược lý, dược liệu và giải phẫu bệnh lý thuộc Viên Y học Quân sự Việt Nam cũng đã nghiên cứu về đinh Lăng và kết luận: Nước sắc rễ đinh lăng giúp tăng sức đề kháng, cho thấy rõ dẻo dai của cơ thể và có tác dụng ưu việt như nhân sâm. Ðặc biệt viên bột rễ đinh lăng dùng cho bộ đội, vận động viên thể dục, thể thao đều cho kết quả khả quan trong các nghiệm pháp gắng sức.
Chuyên gia lý giải về hiệu quả chăm sóc sức khỏe của đinh lăng
Thầy thuốc ưu tú, Đại tá, Tiến sĩ Phạm Hòa Lan - Nguyên chủ nhiệm khoa nghiên cứu thuốc, TTB Y tế Cục Quân y - Bộ Quốc phòng cho biết: “Sở dĩ nói đinh lăng có công dụng như sâm là vì các nghiên cứu khoa học gần đây đã phát hiện ra nhiều loại vitamin, 20 acid amin,…và 8 loại Saponin trong đinh lăng với hàm lượng cao. Saponin là một trong những thành phần hóa học quan trọng có trong nhân sâm. Trong nhân sâm, saponin là thành phần hóa học chính, được gọi riêng là ginsenosides có lợi cho hệ thần kinh trung ương, hệ nội tiết, hệ miễn dịch và nhiều lợi ích khác cho chức năng điều hòa của cơ thể”.
Cũng theo Thầy thuốc ưu tú, Đại tá, Tiến sĩ Phạm Hòa Lan, từ khoảng 50 năm trở lại đây, có rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học hiện đại về công dụng của đinh lăng. Điển hình phải kể đến các nghiên cứu chứng minh đinh lăng hiệu quả trong hỗ trợ chăm sóc sức khỏe và phòng ngừa các bệnh mạn tính sau tuổi 40 như xương khớp, tiểu đường, mỡ máu, ung bướu…
Tháng 7/2018 tác giả Nguyễn Thị Luyện và cộng sự nghiên cứu Đặc tính hạ đường huyết của saponin chiết xuất từ đinh lăng đã cho kết luận: Dịch chiết đinh lăng hỗ trợ làm giảm đường huyết sau ăn trên thực nghiệm. Cơ chế giảm dường huyết sau ăn là ức chế men amylase của tuyến tụy và glucosidase của nấm men. Nghiên cứu này cũng cho thấy tác dụng tiềm năng của đinh lăng trong chăm sóc sức khỏe cho người tiểu đường.
Nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm khoa Y học cổ truyền - Đại học Y Dược TP. HCM do tác giả Nguyễn Trần Châu và Đỗ Mai Anh thực hiện đã kết luận đinh lăng có tác dụng chống oxy hóa và hỗ trợ hạ cholesterol máu nhờ cấu trúc steroid ức chế sự tạo thành MDA trong quá trình peroxy hóa lipid màng tế bào.
Tháng 5/2019, tác giả Jeo-Hyung Lee nghiên cứu dịch chiết lá đinh lăng tại Khoa Hóa sinh, Đại học Quốc gia Kangwon, Hàn Quốc đã cho kết luận dịch chiết lá đinh lăng ức chế đáng kể quá trình hủy xương bằng cách giảm số lượng tế bào hủy xương, hình thành vòng hoạt hóa tế bào hủy xương và tiêu xương. Bên cạnh đó, dịch chiết lá đinh lăng hỗ trợ làm giảm biểu hiện của các GEN đánh dấu tế bào tủy xương.
Nghiên cứu tại Viện nghiên cứu và vườn bách thảo nhiệt đới Jawaharlal Nehru, Ấn Độ công bố tháng 7/2020 cho thấy đinh lăng có tác dụng hỗ trợ ngăn ngừa sự phát triển của tế bào lạ bằng cơ chế kích hoạt quá trình tự chết của tế bào u ác tính.
Với những công dụng ưu việt đã được chứng minh, đinh lăng đã làm dày thêm khối di sản đồ sộ của tinh hoa y học dân tộc được lưu giữ và phát triển suốt ngàn năm. Niềm tự hào “sâm Việt” sẽ được nâng tầm khi có sự vào cuộc sâu hơn của các nhà khoa học, các chuyên gia nhanh chóng tạo ra các chế phẩm từ đinh lăng, ứng dụng hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Theo sức khoẻ đời sống